Hướng nghiệp cho học sinh: Cơ hội vàng để tìm hiểu tương lai

Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS được coi là giải pháp tích cực nhằm phát triển hợp lý nguồn nhân lực. Công tác này càng quan trọng hơn khi bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn môn học và nội dung học, nhằm phát triển cả kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành, hướng tới định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Điều đó có nghĩa thay vì hết cấp THPT học sinh mới chọn nghề chọn trường như trước kia thì nay, việc này sẽ phải đẩy sớm lên ngay sau cấp THCS. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà trường, địa phương vì thực hiện chưa đúng khiến công tác này thành việc ép học sinh đi học nghề.

Để thay đổi tình hình này, các nhà trường đang nỗ lực huy động nguồn lực để tổ chức tốt hơn công tác hướng nghiệp. Bài toán khó cần thay đổi tư duy để tìm lời giải phù hợp với nhu cầu và mong muốn của các em.

Học nghề hệ 9+ rút ngắn con đường đến việc làm

Không thể phủ nhận, dù vẫn còn trăn trở, khó khăn nhưng các chính sách phân luồng giáo dục đã phần nào phát huy hiệu quả, khi định hướng nghề nghiệp của học sinh qua các năm đã rõ rệt hơn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề ngày càng tăng, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Trong năm 2020, tỷ lệ này đạt khoảng 16%, tăng 5% so với năm 2015. Với lựa chọn theo học hệ trung cấp, cao đẳng nghề hệ 9+ ngay khi hết cấp hai, phần lớn học sinh cũng đặt rõ mục tiêu thay vì học 3 năm THPT, học nghề sớm sẽ rút ngắn con đường đến với việc làm.

Sớm gia nhập thị trường lao động là mục tiêu rõ ràng được phần lớn học sinh hệ 9+ đặt ra. Cũng theo các chuyên gia, học nghề sớm giúp các em sớm có kĩ năng và trình độ, linh hoạt trong chuyển đổi công việc. Nhất là hiện nay, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, ngày càng nhiều nghề mới xuất hiện thay thế các nghề cũ.

Ông Hà Toàn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn, tỉnh Bắc Giang cho biết, rất nhiều ngành nghề có nhu cầu học lớn là điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, thiết kế đồ họa… Với mô hình 9+, sẽ có khoảng 30% các em học liên thông, còn lại phần lớn tiếp cận với các doanh nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Tỷ lệ có việc làm hơn 90%.

Cũng theo ông Thắng, cơ hội việc làm cho học sinh hệ 9+ sau khi ra trường là không ít, khi tại Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ mới đạt 21%. Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật đã tồn tại trong thời gian dài và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Theo Báo điện tử VTV

Loading

Đăng ký nhận tư vấn
Bạn hãy điền đầy đủ các thông tin nhé